Sa Pa – Hành trình 120 năm từ Trạm Nghỉ dưỡng đến Khu Du lịch Quốc gia

Ngành du lịch Việt Nam lấy ngày 9/7/1960 là ngày thành lập ngành. Vậy mà, một vùng đất xa xôi ở miền biên viễn phía Bắc lại có lịch sử phát triển du lịch lâu hơn thế rất nhiều.

Sa Pa đã trải qua 120 năm hình thành, phát triển du lịch, kể từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt Trạm Nghỉ dưỡng để đón khách. Hiện nay, Sa Pa đã trở thành Khu Du lịch Quốc gia và hướng đến mang tầm quốc tế.

Dấu vết thăng, trầm của một kinh đô nghỉ mát

Nhà thờ đá Sa Pa, Tu viện cổ Tả Phìn, Nhà máy Thủy điện cổ Cát Cát, các tòa biệt thự cổ trên núi Hàm Rồng… – những công trình biểu tượng của du lịch Sa Pa trong lòng du khách – đều là những công trình cổ do người Pháp xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ 20.

Không chỉ khiến phố núi Sa Pa mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu, khi đó, hệ thống hàng trăm biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu cùng các nhà nghỉ dân sự phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đã được đầu tư khá mạnh, đặt nền móng hình thành Trạm Nghỉ dưỡng núi Sa Pa dành cho du khách.

Tính đến năm 1943, Sa Pa đã có khoảng 200 biệt thự do người Pháp xây dựng, trong đó nhiều biệt thự có quy mô lớn và trang bị hiện đại. Du lịch Sa Pa phát triển rực rỡ so với các điểm nghỉ dưỡng khác trên toàn xứ Đông Dương, trở thành kinh đô nghỉ mát phía Bắc.

Thế nhưng, chặng đường lịch sử của du lịch Sa Pa bỗng chốc dừng lại khiến khúc bi tráng của du lịch Sa Pa nằm mãi trong hoài niệm.

Từ tháng 3/1945 đến tháng 3/1951, Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung trải qua thời kỳ chiến tranh, các hoạt động du lịch ở Sa Pa bị ngừng lại, thậm chí bị hủy hoại.

Tháng 4/1951, thực dân Pháp rút khỏi Sa Pa, sau đó cho máy bay rải bom phá hủy hầu hết các công trình đã được xây dựng trước đó. Khu Nghỉ dưỡng Sa Pa vì thế lại trở về hình hài gần 50 năm trước.

Từ thập niên 50 đến năm cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Sa Pa cùng với Lào Cai trải qua các thời kỳ lịch sử lớn của đất nước, đi qua 3 cuộc chiến và những thăng trầm của đất nước. Khu Nghỉ dưỡng Sa Pa xưa kia đã bị tàn phá, hoặc bởi chiến tranh, thiên tai, hoặc bởi thời gian hay những khó khăn muôn vàn của đất nước, có nhiều thời điểm suy tàn, đổ nát tưởng chừng như không bao giờ khôi phục được.

Đến năm 1991, khi Việt Nam mở cửa hội nhập nền kinh tế, khách du lịch bắt đầu quay trở lại Sa Pa. Kinh tế du lịch phát triển nhanh và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sa Pa.

Năm 2017, thị xã Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Du lịch Quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Sa Pa.

Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn, đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử dành cho sự phát triển của Sa Pa và là cơ hội để xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu Du lịch Quốc gia và vươn tới đẳng cấp quốc tế, đồng thời là dấu mốc quan trọng của hoạt động du lịch thị xã nói riêng.

Vươn mình mạnh mẽ

Khu nghỉ dưỡng Sa Pa xưa trải qua thời gian bi tráng, đầy vết cắt đau thương trong dáng hình diễm lệ của rừng núi Hoàng Liên, sau 120 năm với bao thăng trầm của lịch sử đang vươn mình mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình đạt 45,17%/năm; thu hút hàng triệu du khách tới tham quan mỗi năm. Đồng thời, Sa Pa luôn nằm trong top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Riêng năm 2018, Sa Pa đón 2,7 triệu lượt khách với tổng doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 5.507 tỷ đồng; năm 2019 đón gần 3,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch và dịch vụ ước đạt 9.300 tỷ đồng.

Dự kiến hết năm 2023, thị xã sẽ đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng.

 

Đài phun nước được khánh thành đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hiện nay, thị xã Sa Pa có 13 điểm du lịch được công nhận, các điểm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nằm trong thung lũng Mường Hoa; vùng danh thắng ruộng bậc thang; các tuyến du lịch cộng đồng gắn với truyền thống văn hóa dân tộc… Địa điểm du lịch đặc sắc là Quần thể Khu Du lịch Cáp treo Fansipan với các hoạt động vui chơi, giải trí, ngắm cảnh đặc sắc; khai thác sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Các điểm du lịch tâm linh được công nhận là di sản văn hóa, gồm đền Mẫu Sơn, đền Mẫu Thượng và đền Hàng Phố; các điểm du lịch được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, như Khu Di tích chạm khắc đá cổ Sa Pa, Khu Danh thắng Ruộng bậc thang… Du lịch cộng đồng phát triển mạnh mang đặc trưng riêng gắn với các dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn nhấn mạnh bên cạnh những thành tựu đạt được, trong những năm qua, du lịch Sa Pa còn bộc lộ một số hạn chế và thách thức.

Sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường; quá trình đô thị hóa nhanh, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao… đã đặt ra cho địa phương những thách thức để phát triển du lịch bền vững.

Phát triển bền vững xứng tầm Khu Du lịch Quốc gia

Chiều 22/9, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Sa Pa – hành trình từ Trạm Nghỉ dưỡng đến Khu Du lịch Quốc gia,” 165 đại biểu khách mời là nhà khoa học, giới chuyên môn, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực tại các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước đã thống nhất: phát triển bền vững du lịch Sa Pa phải được thực hiện trên nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

Tiến sỹ Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ Sa Pa có sức hút lạ kỳ đối với du khách không chỉ bởi cảnh quan, khí hậu cùng với hệ thống di sản độc đáo của thiên nhiên mà còn bởi cuộc sống mộc mạc, giản dị nhưng mang đậm nét văn hóa vùng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại nơi đây.

“Nếu như không còn nhìn thấy người nào ở thị trấn Sa Pa trong trang phục truyền thống, các làng nghề thủ công truyền thống không còn, thay vào đó là những khu vui chơi giải trí hiện đại thì sự hấp dẫn của Sa Pa sẽ giảm đi rõ rệt,” tiến sỹ Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Do đó, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam gợi ý vấn đề đáng quan tâm hiện nay của Sa Pa là đem lại lợi ích kép để du lịch trở thành sinh kế cho người dân tộc thiểu số nhưng không làm mất đi, không làm mai một những giá trị thiên nhiên, những giá trị văn hóa đã tồn tại hàng triệu, hàng trăm năm qua.

Theo tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam, để Sa Pa thực sự trở thành Khu Du lịch Quốc gia trọng điểm và phát triển bền vững, Sa Pa cần phát triển du lịch dựa trên nền tảng tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc.

Các nhà hàng, quán ăn được trang trí lộng lẫy chào đón du khách. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh chính quyền địa phương phải cân nhắc bài toán giữa phát triển và bảo tồn. Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch của thị xã phải được thực hiện nghiêm túc, không phá vỡ, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, vì lợi ích trước mắt; thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư tại khu, điểm du lịch của thị xã.

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Lào Cai Nguyễn Văn Quân nhận định địa phương cần phải xây dựng bộ tiêu chí về kiến trúc công trình của Sa Pa mà ở đó các công trình vật thể kiến trúc ngoài đảm bảo các yêu cầu về sự bền vững, sự phù hợp với quy hoạch xây dựng… còn đảm bảo các yếu tố mang đặc điểm nhận diện của kiến trúc Sa Pa và là mỗi công trình kiến trúc phải sự là một tác phẩm hoàn chỉnh.

Với bề dày 120 năm hình thành và phát triển ngành du lịch, với tầm nhìn chiến lược, lâu dài, dáng dấp của một Khu Du lịch Quốc gia hiện đại, vươn tầm quốc tế của Sa Pa sẽ sớm thành hiện thực./.

Hương Thu (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết này

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN