Sa Pa chi hơn 600 tỷ đồng để phát triển du lịch

Thị xã Sa Pa Lào cai dự kiến có 10.000 lượt khách/ngày, tương ứng với khoảng 2 triệu lượt khách/năm (trung bình 6.500 lượt khách/ngày), với khả năng lưu trú tối đa cho 432 người.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) của dự án Danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Hàm Rồng (phường Hàm Rồng và phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) để tham vấn cộng đồng rộng rãi.

Theo Báo cáo ĐTM, vào năm 2021, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện dự án này với quy mô hơn 310.000m2 (31ha) và tổng mức đầu tư lên đến 630,6 tỷ đồng. Các hạng mục chính của dự án bao gồm:

  • Nhà quản lý vận hành rộng 400m2 với một tầng cao 10,5m.
  • Nhà dịch vụ diện tích 3.000m2.
  • Nhà hàng 2.000m2.
  • Cửa hàng trưng bày và bán đồ lưu niệm 777m2.
  • Trung tâm biểu diễn nghệ thuật và sân khấu ngoài trời diện tích 1.300m2, cao hai tầng.
  • Nhà ga cáp treo rộng 1.740m2, cao bốn tầng.
  • Khu vui chơi giải trí rộng 3.000m2, cao hai tầng.
  • Chùa Hàm Long với diện tích 1.347m2.
sa pa chi hơn 600 tỷ đồng để phát triển danh thắng quốc gia
Sa Pa chi hơn 600 tỷ đồng để phát triển du lịch

Dự án dự kiến sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng 143.400m2 đất nông nghiệp và 157.363m2 rừng trồng sản xuất, nằm trong “Quy hoạch tổng thể Danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Hàm Rồng” đã được phê duyệt.

Ngoài ra, các công trình di tích lịch sử trong khu vực núi Hàm Rồng sẽ được bảo vệ nguyên trạng với tổng diện tích hơn 136.000m² (13,6ha). Khu vực này bao gồm các điểm tham quan như chòi ngắm Fansipan, hang Trao Duyên, cụm di tích Sân Mây, cổng trời 1 và 2, Hòn Phật Bà, Hang Tam Môn, Hòn Con Cóc, Hòn Phụ Tử, Hòn Ông Trạng, và khu vực Đầu Rồng.

Diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp được quy hoạch bảo tồn nguyên trạng sẽ tạo thành một vùng bảo vệ cảnh quan rộng hơn 1 triệu m². Khu vực này sẽ hình thành cảnh quan sinh thái xen kẽ giữa các khu vực chức năng, với phong cảnh thiên nhiên đặc trưng của núi đồi, rừng cây xanh tươi và nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc.

Chủ đầu tư dự kiến phát triển một chương trình du lịch phong phú, bao gồm các hoạt động tham quan, ngắm cảnh tại đô thị du lịch Sa Pa và các điểm du lịch nổi tiếng như thác Bạc, núi Hàm Rồng, cổng trời, thác Tình yêu, bãi đá cổ, chợ Sa Pa, cầu Mây, cầu Thiên Sinh, cột cờ Lũng Pô, và động Mường Vi (huyện Bát Xát). Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, ngắm cảnh thiên nhiên theo mùa như ruộng bậc thang, mùa hoa Anh Đào, hoa Đỗ Quyên, và trải nghiệm quy trình sản xuất nông nghiệp tại các trang trại rau sạch, hoa, và cá nước lạnh cũng sẽ là điểm nhấn.

Dự án còn kết hợp phát triển du lịch tâm linh, với các sản phẩm du lịch gắn liền với hệ thống đền, chùa trong tổ hợp vui chơi giải trí cáp treo Fansipan và các di tích tâm linh trong khu vực.

Dự kiến, khu vực này sẽ đón tối đa 10.000 lượt khách/ngày, tương đương khoảng 2 triệu lượt khách/năm (trung bình 6.500 lượt/ngày), với khả năng lưu trú tối đa cho 432 người.

Thời gian hoạt động của dự án sẽ kéo dài 70 năm, kể từ khi UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận nhà đầu tư.

Theo bình chọn của Tạp chí Du lịch Times Out, thị xã Sa Pa của tỉnh Lào Cai đã được vinh danh là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới vào năm 2024. Sa Pa, nổi tiếng từ những năm 1920, là một điểm nghỉ dưỡng được ưa chuộng với lượng khách du lịch đạt kỷ lục, gấp 50 lần dân số địa phương.

Thị xã Sa Pa chính thức được thành lập vào ngày 1/1/2020, bao gồm toàn bộ diện tích 681km² và dân số 66.600 người của huyện Sa Pa (Lào Cai). Nằm trên dãy núi Hoàng Liên, với độ cao trung bình 1.500-1.800m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam.

Theo Chất lượng và Cuộc sống

Chia sẻ bài viết này

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN